Nâng cao hiệu quả công tác thiết kế phương thức bay PBN bằng hệ thống phần mềm của IDS AIR NAV

Việc đưa vào áp dụng các phương thức bay, đường bay PBN tại Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong phương pháp điều hành bay thông qua việc tận dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến của tàu bay, từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc của KSVKL và phi công, giảm nhu cầu dẫn dắt tàu bay bằng radar tại những nơi được trang bị giám sát cũng như nhu cầu liên lạc thoại vô tuyến, nâng cao độ chính xác an toàn bay và góp phần hỗ trợ việc lập kế hoạch hiệu quả hơn cho cả cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu lẫn nhà khai thác. Việc thiết kế hệ thống phương thức bay, đường bay PBN cung cấp sẵn phân cách an toàn giữa các tàu bay đi và đến, mở cửa ngõ ra vào riêng biệt cho từng luồng hoạt động bay và kết nối liền mạch với hệ thống mạng lưới đường hàng không hiện hữu đã tạo được nhiều thuận lợi cho công tác hiệp đồng điều hành bay giữa các cơ sở kiểm soát không lưu, tàu bay có thể thay đổi độ cao liên tục với biên dạng độ cao tối ưu hơn giúp nâng cao năng lực điều hành của cơ sở kiểm soát không lưu một cách đáng kể.
ais1

Giao diện phần mềm FPDAM

Hệ thống phần mềm FPDAM (Flight Procedure Design and Management) và các phần mềm phụ trợ khác của IDS Air Nav đã được Trung tâm Thông báo tin tức hàng không - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 nhằm nâng cao năng lực thiết kế phương thức bay, đặc biệt là phương thức bay PBN để đảm bảo tiến độ Kế hoạch thực hiện PBN của Việt Nam do Cục HKVN ban hành. FPDAM là sản phẩm chủ chốt trong hệ thống sản phẩm của của IDS Air Nav trong lĩnh vực quản lý và thiết kế hàng không. Đây là giải pháp thiết kế phương thức bay hàng đầu trên thế giới với các đặc trưng nổi bật như sau:

- Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn PANS-OPS của ICAO (Doc 8168, 9905, Annex 14), TERPS của FAA (8260.3B, 8260.58 và các quy định có liên quan), TP 308 của Canada.

- Hỗ trợ tất cả các loại phương thức bay bao gồm: Phương thức khởi hành tiêu chuẩn bằng thiết bị (SID), phương thức đến tiêu chuẩn (STAR) và phương thức tiếp cận sử dụng dẫn đường truyền thống; RNAV/PBN, RNP APCH AR, APV/LPV, GLS/GBAS và các hệ thống dẫn đường Baro-VNAV.

- Cho phép người dùng thực hiện đánh giá địa hình và chướng ngại vật bằng cách nhập và sử dụng dữ liệu địa hình số có liên quan đến thiết kế phương thức bay theo bất kỳ phép chiếu, mốc và độ phân giải/độ chính xác.

- Tự động thực hiện các chức năng thiết kế phức tạp trong môi trường làm việc của phần mềm.

- Đảm bảo kiểm soát chặt chẽ cấu hình hệ thống, các chức năng thiết kế và tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến vấn đề an toàn bay thông qua việc kết nối với cơ sở dữ liệu hàng không.

Các chức năng chính của FPDAM bao gồm:

- Lưu trữ và quản lý dữ liệu ATS trong cơ sở dữ liệu AeroDB của IDS Air Nav với các bộ công cụ chuyển đổi dữ liệu dành riêng (ARINC, AIXM và các định dạng khác).

- Quản lý cơ sở dữ liệu địa hình và raster (dữ liệu mức cao địa hình 3D và hình ảnh).

- Xây dựng vùng bảo vệ phương thức bay SID, STAR, VOR/TACAN, NDB, LOC, ILS, DME, PAR, SRE, RNAV/PBN, RNP APCH AR, GBAS, SBAS, APV I & II, khu chờ, vòng rẽ cơ bản, vòng rẽ phương thức, MSA/MVA, vòng lượn bằng mắt...

- Đánh giá chướng ngại vật, tính toán độ thông thoáng, OCA/H, DA/H, MDA/H và PDG/CG.

- Các bề mặt đánh giá chướng ngại vật của ILS (OAS), các bề mặt ILS cơ bản (BIS), phân tích CRM.

- Phương thức bay Pin S cho trực thăng (Cat H).

- Phân tích phân cách ngang/phân cách cao các nhiều loại phương thức bay khác nhau trên cùng một phép chiếu.

- Khởi tạo báo cáo thiết kế phương thức bay.

ais2

Giao diện phần mềm FPSAT

Các mô đun phần mềm bổ trợ cho FPDAM bao gồm:

- FPSAT: Thực hiện bay đánh giá trong môi trường ảo nhằm kiểm tra khả năng bay của các phương thức RNAV, tầm phủ và độ chính xác của cơ sở hạ tầng dẫn đường dọc theo lộ trình phương thức bay và nhận diện nhiễu điện từ có thể ảnh hưởng đến tính năng của đài dẫn đường. Việc bay đánh giá các phương thức RNAV cũng giúp kiểm tra môi trường chướng ngại vật xung quanh phương thức bay, tính phù hợp của mã hóa ARINC 424 và các điều kiện thời tiết (như gió và nhiệt độ). Các chức năng này được ICAO yêu cầu trong quá trình đánh giá mặt đất đối với các phương thức bay RNAV tại Doc 8168, 8071 và 9906.

- AeroChart: Tự động xây dựng và quản lý các sơ đồ phương thức bay SID, STAR và tiếp cận từ cơ sở dữ liệu dự án của FPDAM. Việc tự động hóa được thực hiện một cách đơn giản thông qua các bước lựa chọn phương thức bay, mẫu định dạng sơ đồ có sẵn và tiến hành quy trình khởi tạo sơ đồ. Người sử dụng có thể xây dựng, tùy biến các mẫu sơ đồ. Ngoài ra, các thông tin hình ảnh nền như bản đồ mức cao, địa hình cũng có thể được áp dụng.

- SSA Encoder: Cho phép lưu trữ các phương thức bay SID, STAR và tiếp cận trong cơ sở dữ liệu AIS trung tâm để phục vụ cho việc chuyển đổi dữ liệu thông qua các file ARINC hoặc các định dạng khác.

Việc đầu tư, đưa vào triển khai và áp dụng hệ thống phần mềm thiết kế phương thức bay mới đã giúp đơn vị đạt được các mục tiêu và lợi ích thiết thực, cụ thể:

- Đáp ứng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Đáp ứng Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) Hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Đảm bảo công tác thiết kế phương thức bay tại tất cả các sân bay bao gồm cả các sân bay có địa hình phức tạp và tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế phương thức bay đặc biệt (RNP AR).

- Thuận lợi cho công tác thiết kế và đánh giá vùng trời, đường hàng không.

- Thuận lợi cho truy xuất nguồn dữ liệu dẫn đường hàng không trong hệ thống cơ sở dữ liệu AIS hiện có.

- Đảm bảo khả năng phân tích dữ liệu không gian phù hợp.

- Nâng cao chất lượng và tạo thuận lợi cho nhiệm vụ sản xuất sơ đồ hàng không các sân bay Việt Nam; Cung cấp, chia sẻ, thương mại nguồn dữ liệu nhằm gia tăng yếu tố an toàn và hiệu quả trong hoạt động hàng không.

- Hiện đại hóa công tác thiết kế phương thức bay tuân thủ theo các yêu cầu của ICAO nhằm đáp ứng sự mở rộng và phát triển các sân bay của Việt Nam trong tương lai.

- Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc đánh giá địa hình và chướng ngại vật có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay cũng như nhận dạng các yếu tố về địa hình và chướng ngại vật để công bố theo tiêu chuẩn ICAO nhằm gia tăng cảnh báo cho hoạt động hàng không.

- Làm các căn cứ để thực hiện các nhiệm vụ như tính toán dữ liệu liên quan khi thiết lập, điều chỉnh các đường hàng không, xây dựng phương thức bay trong vùng trời tiếp cận, xây dựng vùng trời hàng không.. đảm bảo độ chính xác, thuận lợi và nhanh chóng, góp phần đảm bảo và nâng cao an toàn.

- Hệ thống phần mềm thiết kế phương thức bay sử dụng cho các phương thức bay bằng thiết bị truyền thống hoặc theo tính năng (bao gồm cả phương thức bay vòng lượn bằng mắt); các hệ thống trực quan mô phỏng sơ đồ sân bay hàng không; các hệ thống hoạt động dựa vào cơ sở dữ liệu trên tàu bay; các ứng dụng khác như các hệ thống bay giả định và trực quan tổng hợp; các ứng dụng xác định mức hạn chế chiều cao hoặc di dời các chướng ngại vật có nguy cơ đối với dẫn đường hàng không.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hàng không nói chung và thông báo tin tức hàng không nói riêng. Đây là tiền đề, cơ hội để tiếp cận với công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực, trên thế giới và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hàng không./.

Nguồn: vatm.vn