Nghề Huấn luyện viên kiêm nhiệm

Nói đến nhân viên bảo đảm hoạt động bay chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến họ là các nhân viên hàng không, nhưng nói đến nhân viên ARO/AIS sẽ ít người biết tới họ là ai, làm gì và ở đâu.

Nhân viên ARO/AIS là các nhân viên làm việc tại cảng hàng không, sân bay trực thuộc cơ sở Thủ thủ tục bay (ARO)/Thông báo tin tức hàng không (AIS), có chức năng cung cấp dịch vụ ARO/AIS cho tất cả các chuyến bay đi/đến tại cảng hàng không, sân bay. Nhiệm vụ của họ được biết đến là chuẩn bị các hồ sơ bay (bản PIB), kiểm tra và chấp thuận kế hoạch bay không lưu (FPL) cho tất cả các chuyến bay trước khi khởi hành, tính toán giờ dự kiến của tất cả các chuyến bay hạ cánh… Nhìn thế thôi, nhưng để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả cho mỗi chuyến bay đòi hỏi các nhân viên ARO/AIS phải có sự tập trung, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cẩn thận, tỉ mỉ và tránh việc quên sai.

Để trở thành một nhân viên ARO/AIS hay một trong số các nhân viên nhóm bảo đảm hoạt động bay thực thụ, đối với họ cần phải trải qua một số khóa huấn luyện chuyên ngành và được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép, năng định theo chuyên ngành mà nhân viên đó đảm nhiệm.

Các nhân viên bảo đảm hoạt động bay phải tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không bao gồm: Chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ ban đầu để cấp chứng chỉ chuyên môn. Chương trình huấn luyện năng định nhân viên hàng không. Chương trình huấn luyện phục hồi nhân viên hàng không. Chương trình huấn luyện chuyển loại nhân viên hàng không. Chương trình huấn luyện định kỳ nhân viên hàng không. Chương trình huấn luyện bay làm quen đối với kiểm soát viên không lưu.

nh_1

Huấn luyện định kỳ tại Công ty Quản lý bay miền Trung

Nhằm đẩy mạnh công tác tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của Bộ Giao thông vận tải cho nhân viên bảo đảm hoạt động bay nói chung và nhân viên ARO/AIS nói riêng, cần nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo. Đối với đội ngũ huấn luyện viên cần phải tập trung và chú trọng công tác huấn luyện lĩnh vực chuyên ngành mà họ đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép, năng định huấn luyện viên. Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông vận tải về chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên hàng không chuyên ngành bảo đảm hoạt động bay. Huấn luyện viên cũng phải tự học tập và thi chứng chỉ huấn luyện viên mới có đủ điều kiện để có thể đứng lớp giảng dạy. Đối với lực lượng huấn luyện viên phải là những người nắm rõ từng công việc chuyên môn nên ở vị trí này thường được giao nhiệm vụ cho những người đứng đầu đơn vị như Trưởng hay Phó Trưởng đơn vị hoặc các Kíp trưởng những người đứng mũi chịu sào trong các kíp trực. Họ là những huấn luyện viên kiêm nhiệm.

Để trở thành một huấn luyện viên họ phải đáp ứng các chiêu chuẩn: Có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo cơ bản chuyên ngành phù hợp; Chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo về huấn luyện viên chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo về hàng không của ICAO hoặc cơ sở đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam công nhận; Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm đối với chuyên ngành tham gia huấn luyện; Trình độ tiếng Anh mức 4 theo đánh giá của ICAO đối với Huấn luyện viên không lưu (điều hành bay); trình độ TOEIC 550 hoặc tương đương trở lên đối với huấn luyện viên các chuyên ngành khác; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; Không bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động trong 3 năm gần nhất về lĩnh vực chuyên môn; Được Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra và cấp giấy phép hoặc công nhận theo quy định.

nh_2

Các huấn luyện viên tham gia lớp “Kỹ năng giảng dạy trực tuyến”

Nói đến từ “kiêm nhiệm” là bởi vì ngoài việc huấn luyện cho đội ngũ công nhân viên trong và ngoài đơn vị thì họ còn phải gánh vác những công việc chính của đơn vị mình. Họ không ngần ngại chia sẻ những kiến thức cũng như vốn kinh nghiệm sẵn có để huấn luyện cho nhân viên của đơn vị mình cũng như nhân viên của các đơn vị khác có cùng chuyên môn. Thông qua đó, các nhân viên mới vào nghề họ sẽ nắm được bài bản Quy trình tác nghiệp để phục vụ cho công việc mà các nhân viên này sắp phải đảm nhiệm, với các nhân viên lâu năm có dịp được ôn lại kiến thức chuyên môn cũng như bổ sung, cập nhật các kiến thức mới. Đây là một nghề rất ý nghĩa nhưng cũng không kém phần khó khăn. Giáo viên, huấn luyện viên truyền dạy cho học viên những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao và cách xử lý các tình huống khi gặp phải. Đặc thù của nghề huấn luyện là thế. Vì vậy để việc đào tạo có hiệu quả thì cần phải có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau giữa người huấn luyện viên và các học viên.

Đây không phải là khóa học ngắn ngày mà là cả một quá trình học hỏi lâu dài từ lúc các học viên chập chững bước vào nghề đến khi họ trưởng thành nghề. Nếu không xây dựng được mối quan hệ giữa người huấn luyện viên và học viên thì việc đào tạo này chỉ mất thời gian và không đem lại hiệu quả thực sự của việc đào tạo hay đào tạo lại. Tôi nhớ có một câu nói rất hay của ông Eric Parsloe: “Huấn luyện là một quá trình cho phép việc học tập và phát triển xảy ra và do đó hiệu suất được cải thiện. Để trở thành một người huấn luyện thành công đòi hỏi kiến thức và sự hiểu biết về quá trình cũng như sự đa dạng về phong cách, kỹ năng và kỹ thuật phù hợp với bối cảnh huấn luyện diễn ra”.

nh_3

Huấn luyện lớp Chứng chỉ chuyên môn tại Trung tâm Tân Sơn Nhất

Đối với các huấn luyện viên họ luôn nhận thức rõ điều quan trọng trong huấn luyện là quá trình hợp tác. Huấn luyện viên và học viên cùng nhau trao đổi, chia sẽ, học hỏi để tạo nên những thay đổi tích cực. Vì thế, một huấn luyện viên giỏi sẽ không chỉ ra một hướng đi cụ thể rõ ràng cho học viên mà họ đặt học viên vào một vị trí ưu việt hơn, giúp các học viên của họ có những góc nhìn đa dạng, nhằm phát triển sự hiểu biết sâu sắc và ý tưởng cần thiết để tạo ra những thay đổi như mong muốn.

nh_4

Trưởng Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay trao chứng chỉ 
hoàn thành khóa học cho các huấn luyện viên 

Tôi nhận thấy rằng huấn luyện viên được yêu quý, tôn trọng vì rất nhiều lý do và có lẽ lý do mà họ được mọi người ngưỡng mộ nhất đó là lòng kiên nhẫn, khả năng điều khiển và truyền đạt cho học viên. Nghề huấn luyện viên cũng là một nghề dạy học đòi hỏi họ phải có kiến thức, tinh thần trách nhiệm cao; sự am hiểu về nghề nghiệp và có trách nhiệm với nghề. Những huấn luyện viên đặc biệt này là những người theo sát quá trình trưởng thành của các học viên qua những lớp huấn luyện, luôn quan sát năng lực của từng học viên và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho họ.

Và vì tất cả những lý do ấy, nhân ngày 20/11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam) để tỏ lòng biết ơn cũng như ngợi ca công lao của những người huấn luyện viên kiêm nhiệm, những người thầy đang âm thầm truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng nên đội ngũ những nhân viên bảo đảm hoạt động bay nói dung và nhân viên ARO/AIS nói riêng ngày một làm việc tốt hơn và chuyên nghiệp hơn. Tôi viết lên đây những cảm nhận của bản thân về một nghề hết sức đặc biệt này. Đây thực sự là một cống hiến âm thầm, nhưng thành quả từ đó thật lớn, từng lớp học viên sẽ tự tin trong công việc thực tế tại đơn vị. Tôi thực sự bị cuốn hút bởi những người hoàn toàn tập trung tinh thần vào nghề nghiệp của mình. Cho dù nghề này là nhân viên ARO/AIS hay là kiểm soát viên không lưu… Họ làm điều này không vì bất kỳ ai mà bản thân mình mới là lý do lớn nhất. Không làm một cách cẩu thả, không ứng phó, không mơ hồ. Mục đích cuối cùng vẫn là sự phát triển của ngành hàng không nói chung cũng như để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các chuyến bay nói riêng.

Nguồn: vatm.vn