Ngày môi trường thế giới 5/6/2014: “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”
Thứ ba, 03 Tháng 6 2014 07:49
Năm 2014 được Liên hợp quốc chọn là Năm Quốc tế về các tiểu quốc đảo đang phát triển. Chủ đề ngày Môi trường thế giới 5/6/2014 là “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level) nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.
Quốc đảo là nơi lưu giữ các nền văn hóa và các di sản độc đáo và đang dạng cũng như là nơi có hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, các quốc đảo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, tiêu thụ không bền vững, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, thiên tai khắc nghiệt, là nạn nhân của sự gia tăng ô nhiễm và công nghiệp hóa trên toàn cầu. Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC, năm 2007) đã ước tính rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 180 - 590mm vào năm 2100.
Tính dễ bị tổn thương do sự biến đổi khí hậu, hạn chế về khả năng phục hồi sau thiên tai và sự đe dọa của đa dạng sinh học độc đáo trên các đảo. Trong 400 năm qua, đã có 724 loài động vật bị tuyệt chủng, khoảng một nửa trong số đó là các loài ở hải đảo, và có ít nhất 90% số loài chim đã tuyệt chủng trong cùng thời gian ở các đảo trên. Cộng đồng ven biển ở mọi quốc gia sẽ bị đe dọa do lũ lụt và triều cường, trong đó các hải đảo nhỏ là những nơi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đặc biệt, hiện tượng nước biển dâng khiến cộng đồng ven biển trên toàn thế giới đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm trong lũ lụt và bão. Nếu tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu vẫn không được kiểm soát, một số quốc gia như Kiribati, Maldives, Đảo Marshall hay Tuvalu sẽ là những nơi không thể sinh sống được.
Đảo Madives có nguy cơ bị chìm do nước biển dâng cao
(Nguồn: Kênh14 UNEP)
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở quy mô toàn cầu do các hoạt động của con người làm phát thải quá mức khí nhà kính vào bầu khí quyển.
Với chiều dài hơn 3.260 km đường bờ biển, cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, là một nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Hãy hành động để ngăn nước biển dâng - Ảnh minh họa
Do đó, mỗi cá nhân và tập thể cần nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường hay hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính.