Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo

Chuyển đổi từ AIS sang AIM – lộ trình lâu dài

“Dịch vụ thông báo tin tức hàng không (Aeronautical Information Service – AIS) là hoạt động thu thập, xử lý, biên soạn, phát hành và cung cấp các tin tức cần thiết trong nước và quốc tế đảm bảo an toàn cho hoạt động bay”.

“Quản lý tin tức hàng không (Aeronautical Information Management – AIM) là sự quản lý tổng hợp, linh hoạt dịch vụ thông báo tin tức hàng không một cách an toàn, tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc hợp tác cung cấp và trao đổi dữ liệu hàng không dạng số được đảm bảo chất lượng của tất cả các bên liên quan”.

 

Để đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh từ Khái niệm Khai thác ATM Toàn cầu (Global Air Traffic Management Operational Concept), dịch vụ thông báo tin tức hàng không cần phải chuyển sang một khái niệm quản lý tin tức hàng không rộng hơn, với phương pháp quản lý và cung cấp tin tức khác, với bản chất tập trung vào dữ liệu chứ không tập trung vào sản phẩm như dịch vụ hiện tại. Sự thay đổi lớn nhất trong quá trình chuyển đổi sang AIM sẽ là sử dụng nhiều hơn công nghệ máy tính trong việc quản lý tin tức tập trung vào dạng số của dữ liệu, từ đó định hướng tất cả các quá trình quản lý tin tức.

Việc chuyển đổi từ AIS sang AIM đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Một số hội thảo, hội nghị đã được tổ chức xung quanh vấn đề chuyển đổi này. Trong tháng 5 vừa qua, hội nghị lần thứ 8 của nhóm Thực hiện Dịch vụ tin tức hàng không – Quản lý tin tức hàng không (AAITF/8) đã được tổ chức tại khách sạn U-lan-ba-to, thủ đô U-lan-ba-to, Mông Cổ. Tham dự Hội nghị có 78 đại biểu đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam gồm đại diện của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã tham dự Hội nghị.

AIS-AIM_1

Đoàn Việt Nam cùng Chủ tọa và Thư ký AAITF/8

Đây là Hội nghị được tổ chức hàng năm liên quan công tác chuyển đổi AIS - AIM và luôn được các quốc gia trong khu vực quan tâm tham dự. Nội dung chính của Hội nghị là cập nhật và đánh giá kết quả khảo sát về thực hiện chuyển đổi từ Dịch vụ tin tức hàng không (AIS) sang Quản lý tin tức hàng không (AIM) của các quốc gia trong Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để cùng xem xét khó khăn, vướng mắc của các quốc gia và đưa ra các kết luận, quyết định và khuyến cáo cụ thể.

Theo lộ trình chuyển đổi từ AIS sang AIM của ICAO, các quốc gia cần thực hiện chuyển đổi theo ba giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 – Củng cố
  • Giai đoạn 2 – Chuyển sang kỹ thuật số
  • Giai đoạn 3 – Quản lý tin tức

Trong giai đoạn 1 (hoàn thành vào năm 2010), tất cả các quốc gia cần phải củng cố, tăng cường và thực hiện các tiêu chuẩn hiện tại. Giai đoạn này quan tâm chủ yếu đến việc giám sát sự tuân thủ theo chu kỳ AIRAC; giám sát sự khác biệt của các quốc gia so với Phụ ước 4 và Phụ ước 15; áp dụng Hệ tọa độ toàn cầu-WGS-84 và quản lý chất lượng.

Trong giai đoạn 2 (hoàn thành vào năm 2013), việc áp dụng các quy trình dựa trên cơ sở dữ liệu sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm hiện tại bằng cách cải thiện chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Giai đoạn này sẽ quan tâm chủ yếu đến việc tạo ra một cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc cơ sở dữ liệu khu vực, từ đó tạo ra các sản phẩm và dịch vụ như trước đó nhưng với chất lượng và khả năng đáp ứng tốt hơn. Việc triển khai toàn cầu các sản phẩm như AIP điện tử cũng sẽ được bắt đầu.

Trong giai đoạn 3 (hoàn thành vào năm 2016), các sản phẩm và dịch vụ mới sẽ được phát triển. Kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân sự sẽ được áp dụng cho các sản phẩm/dịch vụ hiện tại và sản phẩm/dịch vụ mới. Điều này sẽ hỗ trợ chức năng AIM mới cho các nhà cung cấp dịch vụ Không vận cho phép cung cấp dữ liệu cần thiết cho các thành phần ATM trong tương lai.

Cả ba giai đoạn trên đều đã được ICAO cụ thể hóa thành tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành được đưa vào tu chỉnh của Phụ ước 15:

Tu chỉnh 36 (có hiệu lực năm 2010) gồm các nội dung tu chỉnh liên quan đến việc sử dụng Internet công cộng trong khai thác; các hệ thống quản lý chất lượng; sử dụng tự động hóa để trao đổi dữ liệu số; các ấn phẩm dạng điện tử; mẫu NOTAM; dữ liệu chướng ngại vật và địa hình dạng điện tử. Sau đó, Phụ ước 15 tiếp tục được điều chỉnh lại 03 chương đầu trong Tu chỉnh 37 (có hiệu lực năm 2013). Tu chỉnh 37 phân biệt rõ ràng “data” và “information”; phân loại tính toàn vẹn dữ liệu và các mức độ; các khu vực cấm bay/hạn chế bay/nguy hiểm; dữ liệu chướng ngại vật và địa hình điện tử (eTOD); dữ liệu vẽ bản đồ hàng không (aeronautical mapping data). Và Tu chỉnh 38 (có hiệu lực năm 2016) sẽ hoàn chỉnh việc cấu trúc lại Phụ ước 15.

Việc cấu trúc lại Phụ ước này nhằm thay đổi bản chất tập trung vào sản phẩm; phản ánh đúng bản chất của tài liệu về Tiêu chuẩn và Khuyến cáo thực hành (SARPS) của ICAO gồm các quy định ổn định, đầy đủ và rộng hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các quốc gia thực hiện chuyển đổi. Song song với việc cấu trúc lại Phụ ước 15, ICAO cũng phát triển và hoàn thiện Tài liệu về Phương thức thực hành (PANS-AIM) để hướng dẫn các quốc gia áp dụng được các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do ICAO thực hiện, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn rất nhiều quốc gia chưa theo kịp lộ trình chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.

Một số khó khăn chung mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi là nguồn vốn đầu tư để triển khai các nghiên cứu, các dự án và lắp đặt các hệ thống, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện 21 bước của quá trình chuyển đổi. Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo và lập kế hoạch chuyển đổi tổng thể của các cấp có thẩm quyền đặc biệt là cấp ra quyết định; sự thống nhất về cơ cấu tổ chức của các cơ sở cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không; sự phối hợp hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự; mức độ phức tạp về địa hình, khoảng cách địa lý, số lượng sân bay; trình độ nguồn nhân lực cũng là các nguyên nhân dẫn đến cách biệt khá lớn giữa các quốc gia trong kết quả thực hiện chuyển đổi. Vì vậy, để có thể hoàn thành lộ trình chuyển đổi đã đề ra, các quốc gia cần phải có một kế hoạch riêng phù hợp với thực tế và nguồn lực sẵn có của mình.

Từ những khuyến cáo của ICAO và sự chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi của các quốc gia trong khu vực, để tiến hành chuyển đổi thành công, Việt Nam cần thực hiện một số nội dung như:

  1. Tiến hành nghiên cứu, phân tích thực trạng về cơ cấu tổ chức, con người, hệ thống trang thiết bị, các văn bản quy định liên quan, các vấn đề hiện nay của dịch vụ thông báo tin tức hàng không để đưa ra được kế hoạch tổng thể chuyển đổi từ AIS sang AIM.
  2. Sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện việc chuyển đổi từ AIS sang AIM vì hiện tại các văn bản quy định về dịch vụ TBTTHK của Việt Nam (ví dụ Quy chế Thông báo tin tức hàng không ban hành kèm theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BGTVT ngày 06/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) chưa có quy định, hướng dẫn về việc thực hiện chuyển đổi và các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chuyển đổi.
  3. Thực hiện tái cơ cấu tổ chức cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không, thống nhất các cơ sở cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không tại sân bay (AD AIS Unit) và thủ tục bay (ARO) để có thể triển khai thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng (Quality Management System – QMS) và các bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi.
  4. Chú trọng đầu tư nhằm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu địa hình và chướng ngại vật điện tử (Electronic Terrain and Obstacle Database – eTOD) để có dữ liệu vẽ bản đồ hàng không (aeronautical mapping data); xây dựng Phương thức bay; thực hiện phương thức bay PBN (Performance-based navigation); cài đặt vào cơ sở dữ liệu dẫn đường FMS (Fight Management System navigation database) và Hệ thống Quản lý Không lưu (Air Traffic Management – ATM) để thực hiện cảnh báo độ cao an toàn tối thiểu (Minimum safe altitude warning – MSAW), thực hiện bay PBN chính xác, RNP1 (Required navigation performance 1) tại khu vực tiếp cận (Terminal control area – TMA) và để hòa vào mạng Hệ thống quản lý tin tức diện rộng (System-Wide Information Management – SWIM).

AIS-AIM_2

Quản lý Tin tức như là một thành phần của Khái niệm Khai thác ATM trong tương lai

Ngoài các nội dung cần thực hiện mang tính vĩ mô nói trên, Việt Nam có thể thực hiện song song một số nội dung dựa vào nguồn lực hiện có như:

  1. Hoàn thiện các bước của Giai đoạn 1 vì hiện nay các bước này đã trở thành tiêu chuẩn và được định nghĩa trong Phụ ước (Annex) 15.
  2. Hoàn thiện và cung cấp AIP điện tử trên website AIS;
  3. Đề xuất với ICAO khu vực về việc tổ chức thực hiện huấn luyện, tư vấn về các bước chuyển đổi AIS-AIM phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Có thể nói, hiện nay việc chuyển đổi AIS – AIM đã không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà là vấn đề chung của khu vực và thế giới vì việc chuyển đổi đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ áp dụng Khối phát triển hệ thống hàng không (Aviation System Block Upgrade - ASBU) và Kế hoạch ATM thống nhất (Seamless ATM Plan). Vì vậy, quá trình chuyển đổi phức tạp này cần được quan tâm, cần có sự phối hợp thực hiện của các cấp có thẩm quyền, các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, tổ chức khác để đáp ứng xu thế chung của khu vực và thế giới đồng thời đáp ứng các yêu cầu về tái cơ cấu trong ngành hàng không Việt Nam.

Nguồn: vatm.vn