Tân Trào và Tuổi trẻ AIS
Thứ tư, 27 Tháng 2 2013 22:51
Đoàn cơ sở Trung tâm Thông báo tin tức hàng không tiếp tục hành trình Về nguồn. Điểm đến trong chuyến hành trình hai ngày là Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Sinh nhật Đoàn 81 tuổi. Hòa chung không khí phấn khởi, náo nức của Đoàn viên và tuổi trẻ cả nước, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Thông báo tin tức hàng không và Ban thường vụ Đoàn TCTQLBVN, Đoàn cơ sở Trung tâm Thông báo tin tức hàng không chúng tôi lại lên đường, tiếp tục hành trình Về nguồn. Điểm đến trong chuyến hành trình hai ngày là Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Con đường gần 200km với nhiều đoạn đang được sửa chữa khiến cuộc hành trình của chúng tôi vất vả và dài hơn dự kiến. Tuy nhiên, khi những đồi chè xanh mướt và những đồi cọ um tùm dần dần hiện ra hai bên đường, chúng tôi cảm nhận được mình đã đặt chân lên vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, lên mảnh đất Tuyên Quang anh hùng.
Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương với Đài tưởng niệm liệt sỹ công an nhân dân và Tượng đài chiến thắng hiện ra giữa cánh đồng lúa khiến chúng tôi sững sờ bởi sự tráng lệ và uy nghiêm. Dưới sự hướng dẫn của các đồng chí công an thực hiện nhiệm vụ tại khu di tích, chúng tôi có dịp được thăm quan 02 tầng trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, cờ về lịch sử, hoạt động của ngành Công an. Điều đặc biệt là chúng tôi có dịp tận mắt chiêm ngưỡng hoạt động của Công an 63 tỉnh thành cả nước, được trưng bày theo các vùng địa lý.
Ngay bên cạnh các di tích của ngành Công an là một địa điểm mà chúng tôi rất hào hứng được đặt chân đến - Sân bay Lũng Cò “Sân bay Quốc tế đầu tiên” của Cách mạng Việt Nam. Dấu ấn thời gian đã che phủ nơi đây, chỉ còn lại mô hình một chiếc máy bay quân sự để nhắc nhở các thế hệ sau về chiến tích của quân và dân xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Chỉ trong 02 ngày đêm, bằng chính bàn tay và khối óc của mình, quân và dân nơi đây đã xây dựng xong một sân bay dã chiến để tiếp nhận máy bay trở hàng viện trợ của quân Đồng Minh, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài cho cách mạng Việt Nam. Đây là sân bay do Bác Hồ vạch kế hoạch xây dựng khi Bác về Tân Trào chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam đầu tháng 5 năm 1945. Sân bay Lũng Cò là nơi duy nhất ở ATK - Việt Bắc đón và nhận sự ủng hộ của quân Đồng Minh bằng đường không và là sân bay quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám của dân tộc. Sân bay xưa giờ chỉ còn lại dấu mốc. Tuy nhiên khi nghe một đoàn viên kêu lên thích thú “các bạn ơi, cò trắng trên đồng kìa”, chúng tôi hiểu rằng hình ảnh về sân bay Lũng Cò sẽ không bao giờ mờ nhạt vì đây chính là nguồn cội, mở đầu cho thời kỳ hình thành và phát triển của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam để sau này xuất hiện thêm những sân bay quốc tế khác như Nội Bài, Đà Nẵng hay Tân Sơn Nhất kết nối Việt Nam với bạn bè khắp năm châu.
Sân bay Lũng Cò “Sân bay Quốc tế đầu tiên” của Cách mạng Việt Nam
Cả đoàn bồi hồi đứng trước bia lưu niệm của ngành Hàng không dân dụng tại Lũng Cò được khánh thành ngày 27/4/2011 để ghi nhớ lịch sử của ngành Hàng không Việt Nam và bày tỏ sự tri ân với Đảng, Bác Hồ và nhân dân các dân tộc trên quê hương cách mạng. Chúng tôi đã không giấu được niềm tự hào khi là cán bộ, nhân viên của ngành Hàng không dân dụng, có đóng góp vào chiến thắng vẻ vang chung của dân tộc.
Rời sân bay Lũng Cò, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để thăm quan khu di tích lịch sử Tân Trào - Thủ đô lâm thời của khu giải phóng. Thấp thoáng sau khu rừng tre tĩnh mịch là một chiếc lán đơn sơ - Lán Nà Lừa - Phủ Chủ tịch bằng tre nứa giữa rừng sâu Việt Bắc. Đây là lán do đơn vị giải phóng quân dựng để Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6/1945 đến cuối tháng 8/1945, đáp ứng các yêu cầu của Bác “gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến và tiện đường thoái”. Căn lán chính là minh chứng cho sự giản dị của Bác. Qua lời cô hướng dẫn viên của Khu di tích, chúng tôi như thấy Bác đang ngồi làm việc chăm chú với chiếc máy đánh chữ trên bàn đá trước cửa căn lán. Chúng tôi một lần nữa lại thêm cảm phục Bác kính yêu, đã chấp nhận mọi thiếu thốn, gian khổ để dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Ngay cả khi Bác ốm nặng, Bác vẫn dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Lúc này, thời cơ nghìn năm đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành độc lập cho dân tộc”. Giờ Bác không còn nữa, chỉ còn lời dạy của Bác được treo trang trọng trước cửa lán như nhắc nhở các thế hệ sau về giá trị của độc lập, tự do mà thế hệ trước đã quyết tâm giành được bằng xương máu và quyết tâm của mình.
Cách Lán Nà Lừa không xa là cây đa Tân Trào, nơi quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Dù đang trong thời gian được phục hồi, nhiều cành nhánh đang được chăm sóc bằng chế phẩm hữu cơ sinh học nhưng cây đa vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi như ngày đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.
Bước vào thăm Đình Tân Trào, chúng tôi như cảm nhận được không khí khẩn trương của cuộc họp Đại hội Quốc dân ngày 16/8/1945 - hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta. Ngồi quanh đình, chúng tôi được nghe giới thiệu về kiến trúc của đình, nghe kể về sự ra đời của Quốc kỳ, Quốc ca của Việt Nam. Việc học tập Bài lý luận chính trị số 2 “Đảng Cộng sản Việt Nam - Người tổ chức, lãnh đạo và nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam” trong chương trình của chúng tôi đã được minh chứng rõ nét hơn khi chúng tôi có dịp được thăm lại những địa danh mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân chuẩn bị cho cách mạng.
Tạm biệt Tân Trào, Tuyên Quang, chúng tôi về Hà Nội. Trên đường về, chúng tôi còn có dịp thăm Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành Thủy điện Việt Nam - thuỷ điện được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội thuộc tỉnh Yên Bái. Có đến đây chúng tôi mới cảm nhận được sức mạnh của con người khi chặn cả dòng sông Chảy ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt những năm 1970.
Chuyến đi hai ngày đã khép lại nhưng những hình ảnh về vùng đất địa danh đã đi qua thì vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí mỗi người đoàn viên chúng tôi, tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi phấn đấu và cống hiến để viết tiếp trang sử hào hùng của Thế hệ trẻ Việt Nam.
Nguồn: congdoan.vatm.vn