Khai thác chính thức Hệ thống AIS tự động
Thứ năm, 28 Tháng 2 2013 05:22
Từ ngày 15/01/2013, Hệ thống thông báo tin tức hàng không tự động (Hệ thống AIS tự động) đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép khai thác chính thức.
Đây là một hệ thống được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư nhằm mục đích thông qua tự động hóa để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ thông báo tin tức hàng không.
Hệ thống AIS tự động được lắp đặt, nghiệm thu và khai thác thử trong một thời gian tương đối dài do đặc điểm trải rộng khắp cả nước và liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Hiện tại, thiết bị của Hệ thống AIS được lắp đặt tại gần 70 vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị như: Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Quân chủng Phòng không – Không quân, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Hệ thống AIS được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về cung cấp, quản lý và khai thác tin tức hàng không. Hệ thống có các chức năng đặc thù riêng của ngành thông báo tin tức Hàng không như:
- Khởi tạo, gửi, nhận và quản lý dữ liệu NOTAM;
- Xuất bản các ấn phẩm thuộc tập tin tức hàng không trọn gói điện tử (eAIP, eAIC, eSUP…);
- Tạo bản thông báo tin tức trước chuyến bay (PIB);
- Vẽ sơ đồ, bản đồ hàng không trên cơ sở dữ liệu đồng bộ.
Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng xử lý kế hoạch bay (FPL) và các điện văn liên quan; xử lý thông tin dữ liệu về khí tượng hàng không (MET) và hiển thị thông tin, tài liệu hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Hệ thống AIS hoạt động theo mô hình máy khách/máy chủ (client/server) cho phép người dùng sử dụng các đầu cuối truy vấn trực tiếp cơ sở dữ liệu và phần mềm máy chủ để thực hiện các tác nghiệp mong muốn. Hệ thống được tích hợp các phần mềm ứng dụng máy chủ, máy trạm, các hệ quản trị cơ sở dữ liệu và các module phần mềm chuyên dụng như:
- AFTN FEP (Front END Processor): Ứng dụng này phục vụ mục đích kết nối AFTN với hệ thống AFTN hiện tại của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (AMSS). Chức năng chính của ứng dụng nàylà chuyển mạch các điện văn AFTN (AFTN Message Switch); tương tác với các ứng dụng CADAS ATS, CADAS IMS (tại khu vực Gia Lâm); tương tác với Hệ thống số liệu khí tượng WAFS tại Gia Lâm và tương tác với các Trung tâm chuyển tiếp điện văn tự động (AMSC) tại mỗi trung tâm khu vực.
- CADAS ATS (COMSOFT Aeronautical Data Access System): Ứng dụng này đáp ứng các yêu cầu khai thác của Hệ thống AIS liên quan tới kế hoạch bay và các điện văn AFTN. Với giao diện thân thiện với người sử dụng và tốc độ truy cập nhanh, người khai thác có thể thực hiện quản lý và lập kế hoạch bay; xử lý các kế hoạch bay lặp lại hoặc tác nghiệp với cơ sở dữ liệu các chuyến bay hiện hành theo các mẫu có sẵn theo đúng quy định của ICAO. Ngoài ra, ứng dụng này còn cung cấp các giao diện tương tác phục vụ cho việc xử lý các điện văn NOTAM và các điện văn Khí tượng. CADAS ATS cũng cho phép người khai thác tạo Bản thông báo tin tức trước chuyến bay (PIB) với các thông tin trực tiếp từ Kế hoạch bay.
- CADAS IMS (CADAS Integrated Management and Services):Ứng dụng này trợ giúp người khai thác khởi tạo, xử lý các điện văn NOTAM và quản lý cơ sở dữ liệu NOTAM. Người khai thác có thêm lựa chọn nữa để tạo và xử lý PIB từ ứng dụng CADAS IMS. Đặc biệt hơn, ứng dụng này còn cung cấp các công cụ quản lý cơ sở dữ liệu tĩnh/cơ bản (vùng thông báo bay, đường bay, thiết bị dẫn đường, sân bay, tàu bay; các điểm trọng yếu...) và quản lý người sử dụng liên quan đến các chức năng NOTAM, MET, AIP.
- Synclude’s GroupVerve AIS: GroupVerve AIS được sử dụng cho việc tạo, chỉnh sửa và xuất bản các ấn phẩm thuộc tập Tin tức hàng không điện tử (eAIP, eAIP AMDT, eSUP, eAIC). Người khai thác có thể sử dụng các ấn phẩm này dưới dạng bản giấy, CD-ROM, truy cập trực tiếp vào ứng dụng Documentation Service của hệ thống AIS tự động hoặc truy cập qua website AIS đang được hoàn thiện.
- ESRI PLTS Aeronautical Solution: Ứng dụng này trợ giúp việc cập nhật toàn bộ dữ liệu tĩnh/dữ liệu cơ bản của hệ thống AIS tự động thông qua vị trí MAP/CHART. Ngoài ra, ứng dụng này cũng cung cấp các công cụ để tạo, chỉnh sửa và thực hiện các tác nghiệp khác liên quan tới bản đồ Hàng không.
Hệ thống AIS tự động là một hệ thống mới và hiện đại. Việc đưa hệ thống vào khai thác chính thức sẽ giải quyết cơ bản những tồn tại của dịch vụ thông báo tin tức hàng không truyền thống; thực hiện chuyển từ dịch vụ chủ yếu dùng sản phẩm giấy sang quản lý tin tức hàng không tập trung vào dữ liệu với phương pháp cung cấp và quản lý tin tức đáp ứng các yêu cầu của việc chuyển đổi từ AIS (dịch vụ tin tức hàng không) sang AIM (quản lý tin tức hàng không).
Tuy nhiên, để khai thác sử dụng hệ thống một cách có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, đơn vị khác nhau trên khắp cả nước. Do hệ thống được lắp đặt tại các cơ quan, đơn vị có mô hình hoạt động khác nhau nên việc hoàn thiện và ký kết các văn bản hiệp đồng khai thác,sử dụng và bảo dưỡng thiết bị là cần thiết. Bên cạnh đó, việc bố trí và ổn định lực lượng nhân viên khai thác hệ thống; huấn luyện nhân viên và đưa các kiến thức, kỹ năng khai thác hệ thống AIS tự động vào nội dung ôn tập để kiểm tra năng định, nâng bậc cũng góp phần tạo nguồn nhân lực cần thiết để khai thác, sử dụng hết các chức năng của hệ thống. Các đơn vị cũng cần lập kế hoạch, lộ trình thay thế việc thu/phát các điện văn trên đầu cuối AFTN bằng chức năng này trên đầu cuối của Hệ thống AIS tự động để vừa đảm bảo cung cấp và truyền phát điện văn đầy đủ, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế của đơn vị trong việc quản lý, sử dụng và bảo dưỡng các thiết bị tại cùng một vị trí. Một vấn đề khác cũng cần được chú trọng là việc nâng cấp đường truyền, đặc biệt là tại các sân bay nội địa để đảm bảo tốc độ truy xuất dữ liệu của người khai thác.
Và không dừng ở phạm vi quốc gia, việc đảm bảo dữ liệu đầu vào cho hệ thống đòi hỏi những hành động mang tầm quốc tế.Một ví dụ điển hình là một số quốc gia vẫn khởi tạo và xử lý điện văn NOTAM không theo mẫu do ICAO quy định, gây khó khăn cho việc quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu NOTAM khiến cho việc soạn bản thông báo tin tức trước chuyến bay (PIB), đặc biệt là chuyến bay quốc tế, gặp không ít trở ngại. Do đó, Việt Nam cần có các thỏa hiệp thư về việc cung cấp dữ liệu, tin tức hàng không với các quốc gia thành viên của ICAO, đặc biệt là các quốc gia mà Việt Nam có chuyến bay thẳng.
Có thể nói, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan có thẩm quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự tích cực nghiên cứu học hỏi và khai thác hệ thống của người khai thác sẽ mang lại diện mạo mới và vị thế mới cho dịch vụ thông báo tin tức hàng không.
Nguồn: congdoan.vatm.vn