GEN 1.2 TÀU BAY ĐI, ĐẾN VÀ QUÁ CẢNH VIỆT NAM

1 Đại cương

1.1 
Tất cả các chuyến bay quốc tế bay vào, bay qua, bay ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam về Hàng không dân dụng. Những quy định này cơ bản phù hợp với những tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành nêu trong Phụ ước 9 của Công ước hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
1.2 
Mọi hoạt độngbay dân dụng tại Việt Nam chỉ được tiến hành theo đúng phép bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Tàu bay không có phép bay của Việt Nam mà bay vào vùng trời lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật Việt Nam và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1.3 
Tàu bay hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam phải có đầy đủ giấy tờ, tài liệu quy định tại mục 2.2.1 dưới đây, tàu bay phải có đăng ký, phải sơn hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký phù hợp với pháp luật của quốc gia nơi đăng ký tàu bay. Tàu bay không có dấu hiệu kể trên không được bay trong vùng trời lãnh thổ Việt Nam.
1.4 
Tàu bay bay đến, bay qua vùng trời Việt Nam, không được chuyên chở vật liệu chiến tranh, vật liệu nổ, súng đạn, chất phóng xạ hoặc nguyên tử, hóa chất độc hại, các chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại. Cấm quay phim chụp ảnh từ trên không hoặc sử dụng các thiết bị vô tuyến ngoài các thiết bị đã đăng ký của tàu bay, hoặc có hành động khác từ trên không gây nguy hại đến an ninh, an toàn của Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, trừ những trường hợp đặc biệt được nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.
1.5 
Tàu bay bay đến hạ cánh đầu tiên hoặc cất cánh cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam chỉ được thực hiện từ các sân bay quốc tế của Việt Nam (xem trang AD 1.3, AD 2 dưới đây).
1.6 
Người đề nghị cấp phép bay (người khai thác tàu bay, người vận chuyển hoặc người được uỷ quyền) phải thanh toán các khoản giá dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay và các dịch vụ điều hành bay theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với cho chuyến bay liên quan (xem chi tiết tại phần GEN 4 dưới đây).
1.7 
Tàu bay Boeing 737 MAX được phép khai thác các chuyến bay thực hiện hoạt động hàng không dân dụng trong lãnh thổ Việt Nam kể từ 1700 (giờ quốc tế) ngày 30/12/2021.

2 Những chuyến bay thường lệ

2.1 Tổng quát
Các hãng hàng không nước ngoài muốn thực hiện những chuyến bay quốc tế thường lệ đi/đến hoặc bay qua Việt Nam phải được phép của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở của các hiệp định, thỏa thuận hàng không với nước ngoài mà Việt Nam tham gia ký kết và quy định của pháp luật Việt Nam.
Đơn đề nghị cấp phép bay gửi tới Cục Hàng không Việt Nam tại địa chỉ sau:
Cục Hàng không Việt Nam
Phòng Vận tải hàng không
119 Phố Nguyễn Sơn, Quận Long Biên
Hà Nội, Việt Nam
Tel:(84 -24) 38 272 281
Fax:(84 -24) 38 272 290
AFS:VVVVYVYX
Email:atd@caa.gov.vn
Web:http://caa.gov.vn
Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu
  • Sáng: 08h00 - 11h30 (giờ địa phương)
  • Chiều: 13h00 - 17h00 (giờ địa phương)
2.2 Những văn bản cần thiết
2.2.1 
Người đề nghị cấp phép bay phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ sau đây:
  1. Chứng chỉ khai thác tàu bay, chứng chỉ nhà bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay;
  2. Chứng chỉ đăng ký tàu bay, chứng chỉ đủ điều kiện bay, chứng chỉ tiếng ồn của tàu bay (tùy theo trường hợp cụ thể), giấy phép khai thác điện đài trên tàu bay;
  3. Bằng và chứng chỉ của thành viên tổ lái và những người liên quan đến khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.
2.2.2 
Khi tàu bay cất cánh hoặc hạ cánh ở Việt Nam thì người khai thác tàu bay phải xuất trình các văn bản, giấy tờ nêu ở mục 2.2.3 dưới đây theo mẫu tiêu chuẩn của ICAO được nêu trong các Phụ lục liên quan của Phụ ước 9 và chỉ được chấp nhận khi viết bằng tiếng Anh.
2.2.3 
Các văn bản yêu cầu phải nộp cho các nhà chức trách tại cảng hàng không, sân bay khi hạ/cất cánh
Cơ quan yêu cầu
Tờ khai tổng hợp
Tờ khai hành khách
Tờ khai hàng hóa
Cảng vụ
111
Hải quan
222
Công an cửa khẩu
111
Tổng cộng
444
Ghi chú:
  1. Hải quan ký xác nhận hoàn thành thủ tục và gửi trả lại một bản khai tổng hợp;
  2. Nếu không có hành khách hoặc hàng hoá lên hoặc xuống tàu bay thì chỉ cần đệ trình bản khai tổng hợp cho các nhà chức trách kể trên.
2.3 Đơn đề nghị cấp phép bay bao gồm các nội dung sau:
  1. Người vận chuyển/người khai thác tàu bay: tên, mã 2 chữ IATA/mã 3 chữ ICAO, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín, điện thoại, fax;
  2. Hành trình: thời gian hiệu lực, số hiệu chuyến bay, ngày khai thác, cảng hàng không cất/hạ cánh và giờ dự kiến cất/hạ cánh (thời gian được tính là 24 giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
  3. Tàu bay: loại, quốc tịch, số đăng kí, trọng tải cất cánh tối đa, số ghế cung ứng, trọng tải thương mại tối đa;
  4. Đường hàng không: tên đường hàng không, điểm bay vào/bay ra vùng trời Việt Nam và giờ dự kiến bay qua (thời gian được tính là 24 giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
  5. Địa chỉ thanh toán: tên, địa chỉ bưu điện;
  6. Người đề nghị cấp phép bay: tên, địa chỉ liên lạc.

3 Những chuyến bay không thường lệ

3.1 Chuyến bay chuyên cơ nước ngoài
Đơn đề nghị cấp phép bay cho các chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và các chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện bay dân dụng tại Việt Nam được gửi tới địa chỉ sau:
Bộ Ngoại giao
Cục Lãnh sự
Số 6, Phố Chu Văn An, quận Ba Đình
Hà Nội, Việt Nam
Tel:(84-24) 38 234 510; (84-24) 37 993 108
Fax:(84-24) 38 236 928; (84-24) 37 993 505
3.2 Các chuyến bay quân sự và có tính chất quân sự nước ngoài
Đơn đề nghị cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay quân sự nước ngoài thực hiện hoạt động trong phạm vi vùng trời của Việt Nam và chuyến bay của tàu bay không người lái của nước ngoài phải gửi tới địa chỉ:
Bộ Quốc phòng
Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tác chiến
Số 1, đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình
Hà Nội, Việt Nam
Tel:Trong giờ hành chính: (84-24) 069 551 324;
(84-24) 069 553 200
Ngoài giờ hành chính: (84-24) 38 455 812
Fax:(84-24) 069 551 325; (84-24) 37 337 994
3.3 Các chuyến bay không thường lệ khác
3.3.1 
Người đề nghị cấp phép bay phải nộp đơn đề nghị cấp phép tới các cơ quan chức năng của Cục Hàng không Việt Nam theo các địa chỉ được nêu ở mục 2.1.
3.3.2 
Vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính hoặc trong trường hợp khẩn cấp, người đề nghị cấp phép bay phải gửi yêu cầu tới:
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
Trung tâm Quản lý luồng không lưu
Tòa nhà B - Số 5/200 phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phốHà Nội, Việt Nam
Tel:(84-24) 38 725 302
Fax:(84-24) 38 733 310
AFS:VVVVZGZX
Email:hiepdongbay@vatm.vn
Thời gian làm việc: 24/24 giờ hàng ngày
để thực hiện:
  1. Chuyến bay chuyên chở thợ máy, động cơ, trang bị, thiết bị phục vụ, sửa chữa tàu bay hỏng hóc hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện của tàu bay bị hỏng hóc;
  2. Chuyến bay tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, y tế và cứu hộ;
  3. Chuyến bay nội địa chuyển sân, chuyến bay kiểm tra kỹ thuật;
  4. Chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam.
3.4 Các văn bản cần thiết
Các văn bản cần thiết giống như với các chuyến bay thường lệ quy định tại GEN 1.2, mục 2.2.
3.5 Đơn đề nghị cấp phép bay bao gồm những nội dung sau:
  1. Người vận chuyển/người khai thác tàu bay: tên, mã 2 chữ IATA/mã 3 chữ ICAO, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín, điện thoại, fax;
  2. Tàu bay: loại, quốc tịch, số đăng kí, trọng tải cất cánh tối đa, số ghế cung ứng, trọng tải thương mại tối đa;
  3. Hành trình: thời gian hiệu lực, số hiệu chuyến bay, sân bay cất/hạ cánh và giờ dự kiến cất/hạ cánh (thời gian được tính là 24 giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
  4. Đường hàng không: tên đường hàng không, điểm bay vào/bay ra các vùng thông báo bay của Việt Nam và giờ dự kiến bay qua (thời gian được tính là 24 giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
  5. Tổ lái: tên, quốc tịch (chỉ yêu cầu đối với các chuyến bay có Người khai thác là cá nhân);
  6. Mục đích chuyến bay (chỉ yêu cầu đối với chuyến bay thực hiện ngoài đường hàng không);
  7. Sơ đồ bay/Khu vực hoạt động hàng không chung (chỉ yêu cầu đối với chuyến bay thực hiện ngoài đường hàng không);
  8. Địa chỉ thanh toán: tên, địa chỉ bưu điện;
  9. Người đề nghị cấp phép bay: tên, địa chỉ liên lạc.
3.6 Phép bay đối với khí cầu bao gồm những nội dung sau:
  1. Các nội dung qui định tại mục 3.5 trên;
  2. Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí thả khí cầu (toạ độ VN2000 hoặc WGS-84);
  3. Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);
  4. Độ cao tối đa;
  5. Đường bay, hướng bay của khí cầu;
  6. Đặc điểm nhận dạng;
  7. Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;
  8. Những điểm cần lưu ý khác.

4 Thời gian gửi đơn đề nghị cấp phép bay

4.1
Người vận chuyển/người khai thác phải gửi đơn đề nghị cấp phép bay tới các cơ quan cấp phép bay liên quan của Việt Nam theo những địa chỉ thích hợp nêu trong các mục 2.1, 3.1, 3.2 và 3.3 nêu trên. Người khai thác tàu bay hoặc người vận chuyển có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình đề nghị cấp phép bay.
4.1.1 
Chậm nhất 30 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với:
  1. Chuyến bay quốc tế thường lệ đến/đi và bay qua lãnh thổ Việt Nam;
  2. Chuyến bay nội địa thường lệ.
4.1.2 
Chậm nhất 10 (mười) ngày trước ngày thực hiện chuyến bay đối với:
  1. Chuyến bay thử nghiệm, biểu diễn, thao diễn;
  2. Chuyến bay phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh tế quốc dân, hoạt động văn hoá, thể thao;
  3. Chuyến bay của tàu bay quân sự nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.
4.1.3 
Chậm nhất 07 (bảy) ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với:
  1. Chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ khác của nước ngoài và các chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó;
  2. Chuyến bay quốc tế thuê chuyến, tăng chuyến đến và đi từ Việt Nam;
  3. Chuyến bay của tàu bay công vụ nước ngoài.
4.1.4 
Chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với:
  1. Chuyến bay không thường lệ qua vùng trời Việt Nam hoặc hạ cánh kỹ thuật tại Việt Nam;
  2. Chuyến bay được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
  3. Chuyến bay được thực hiện theo hợp đồng thuê, mua, bán tàu bay;
  4. Chuyến bay chuyển sân bay quốc tế;
  5. Chuyến bay phục vụ nhu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  6. Chuyến bay vì mục đích nhân đạo;
  7. Chuyến bay hoạt động hàng không chung khác.
4.1.5 
Chậm nhất 24 (hai mươi bốn) giờ trước giờ dự kiến thực hiện chuyến bay đối với chuyến bay nội địa chuyển sân và chuyến bay kiểm tra kỹ thuật.
4.1.6 
Không áp dụng thời hạn xin cấp phép bay đối với:
  1. Chuyến bay trong tình thế cấp thiết;
  2. Chuyến bay chuyên chở thợ máy, động cơ, trang bị, thiết bị phục vụ, sửa chữa tàu bay hỏng hóc hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện của tàu bay bị hỏng hóc; chuyến bay tìm kiếm cứu nạn, y tế, chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam;
  3. Và trong tình huống có sửa đổi các nội dung sau đây của phép bay: đường hàng không, điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam; thay đổi tàu bay vì lý do phi thương mại; thay đổi tàu bay vì lý do thương mại đối với các chuyến bay nội địa; thay đổi sân bay cất cánh, hạ cánh ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.
4.2
Khi gặp tình huống khẩn nguy trong khi đang bay, tổ lái có thể xin hạ cánh xuống các sân bay dân dụng gần nhất của Việt Nam hoặc xin thay đổi các chi tiết của phép bay đã được cấp bằng cách liên lạc trực tiếp với cơ sở điều hành bay thích hợp.
4.3
Trong trường hợp không nộp đúng thời hạn nêu trong mục 4.1, đơn đề nghị cấp phép bay có thể không được xem xét làm thủ tục cấp hay bị từ chối cấp phép bay.

5 Hiệu lực của phép bay

5.1
Thời gian hiệu lực của từng phép bay được xác định theo nội dung phép bay đã cấp.
5.2
Phép bay cho các chuyến bay đến hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam có hiệu lực từ 01 (một) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến 24 (hai mươi bốn) giờ sau giờ dự kiến hạ cánh ghi trong phép bay.
5.3
Phép bay cho các chuyến bay cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam có giá trị thực hiện trong phạm vi thời gian 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ giờ dự kiến cất cánh ghi trong phép bay. Trường hợp có yêu cầu cất cánh sớm không quá 01 (một) giờ so với giờ dự kiến cất cánh ghi trong phép bay, chuyến bay chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và Trung tâm Quản lý điều hành bay Quân chủng Phòng không - Không quân.
5.4
Phép bay cho các chuyến bay bay qua vùng trời Việt Nam có giá trị thực hiện trong phạm vi thời gian từ 01 (một) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến 72 (bảy mươi hai) giờ sau giờ dự kiến ghi trong phép bay.

6 Sửa đổi, hủy bỏ phép bay

6.1
Trong trường hợp có yêu cầu thay đổi các thông tin chủ yếu của chuyến bay ngoài phạm vi hiệu lực của phép bay, người đề nghị cấp phép bay phải gửi đơn đề nghị cấp phép bay mới cho nhà chức trách có địa chỉ nêu tại mục 2 và mục 3 qua một trong các phương tiện liên lạc AFS, E-mail hay FAX trừ các trường hợp nêu tại các mục 6.2 và 6.3 dưới đây.
6.2
Trong trường hợp có yêu cầu thay đổi thời gian thực hiện chuyến bay so với thời gian dự kiến ghi trong phép bay nhưng vẫn trong phạm vi hiệu lực của phép bay, thì người đề nghị cấp phép bay hay đại diện có thẩm quyền của người khai thác tàu bay phải lập kế hoạch bay sửa đổi và thông báo cho cơ quan cấp phép bay tương ứng qua một trong các phương tiện liên lạc AFS, E-mail hay FAX. Chuyến bay chỉ được phép thực hiện khi nhận được trả lời chấp thuận của các cơ quan này.
6.3
Vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính hoặc trong trường hợp khẩn cấp, người đề nghị cấp phép bay phải gửi yêu cầu tới Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Trung tâm Quản lý luồng không lưu) khi muốn thay đổi những nội dung sau đây của phép bay:
  1. Đường Hàng không, điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam;
  2. Thay đổi tàu bay vì lý do phi thương mại, thay đổi tàu bay vì lý do thương mại đối với chuyến bay nội địa;
  3. Thay đổi sân bay cất cánh, hạ cánh ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.
Chuyến bay chỉ được thực hiện khi nhận được trả lời chấp thuận của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Trung tâm Quản lý luồng không lưu).
6.4
Cơ quan cấp phép bay có thể hủy bỏ phép bay vì các lý do sau đây:
  1. An ninh, quốc phòng;
  2. An toàn của chuyến bay;
  3. Trật tự và lợi ích công cộng;
  4. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước;
  5. Theo qui định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
  6. Người đề nghị cấp phép bay cung cấp thông tin không trung thực hoặc có những hành vi lừa dối khác.
6.5
Trong trường hợp hủy bỏ chuyến bay đã được cấp phép, người đề nghị cấp phép bay phải thông báo cho cơ quan cấp phép bay trước thời hạn dự kiến thực hiện chuyến bay.

7 Thực hiện chuyến bay

7.1
Người chỉ huy tàu bay, đại diện của người khai thác tàu bay hoặc người vận chuyển có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục đối với chuyến bay theo quy định của pháp luật. Tàu bay chỉ được phép khởi hành khi có huấn lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu tại cảng Hàng không, sân bay và phải thực hiện theo kế hoạch bay đã được chấp thuận theo quy định.
7.2
Tàu bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam phải:
  1. Thực hiện đúng các qui tắc bay và phương thức bay qui định (xem AIP Việt Nam phần ENR 1);
  2. Thực hiện đúng nội dung của phép bay hay phép bay sửa đổi được cấp;
  3. Bay đúng đường hàng không, điểm vào, điểm ra và mực bay quy định;
  4. Duy trì liên lạc liên tục với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu Việt Nam;
  5. Tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu Việt Nam;
  6. Chỉ được phép hạ cánh, cất cánh tại các cảng Hàng không, sân bay được chỉ định trong phép bay.
Trong trường hợp có yêu cầu thay đổi kế hoạch bay của mình, người chỉ huy tàu bay thực hiện theo mục 5.3, 6.2 và 6.3 trên đây (GEN 1.2).
7.3
Trường hợp tàu bay đang bay gặp phải tình thế khẩn cấp bất khả kháng và muốn thay đổi đường bay hoặc hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay của Việt Nam thì người chỉ huy tàu bay phải báo cáo và xin phép cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu đang điều hành chuyến bay của Việt Nam, và phải được phép của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu Việt Nam mới được thực hiện. Trong trường hợp mất liên lạc, người chỉ huy tàu bay phải thực hiện đúng theo phương thức mất liên lạc nêu tại phần ENR 1 dưới đây.
7.4
Tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
  1. Xuất hiện tình huống cấp thiết phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc phát hiện tàu bay có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh;
  2. Vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay, an toàn hàng không, an ninh hàng k hông, thủ tục chuyến bay, lập và thực hiện kế hoạch bay, xin cấp phép bay;
  3. Phát hiện chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;
  4. Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7.5
Tàu bay có thể bị tạm giữ khi xảy ra các trường hợp sau đây:
  1. Vi phạm chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam;
  2. Không khắc phục các vi phạm quy định tại mục 7.4 trên đây hoặc không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm;
  3. Thực hiện hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động bay, khai thác tàu bay và vận chuyển hàng không;
  4. Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hoá chuyên chở trên tàu bay;
  5. Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7.6
Tàu bay có thể bị bay chặn hoặc bị bắt buộc hạ cánh xuống hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác trong các trường hợp sau đây:
  1. Vi phạm khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay;
  2. Vi phạm các qui định của Quy chế Không lưu hàng không dân dụng, qui định về quản lý hoạt động bay dân dụng, về quản lý và sử dụng vùng trời;
  3. Không chấp hành lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
7.7
Người khai thác tàu bay phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu tàu bay đang gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thứ ba ở mặt đất trong lãnh thổ Việt Nam hoặc của công dân, pháp nhân Việt Nam ở vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ở vùng đất, vùng nước không thuộc chủ quyền và quyền tài phán của bất cứ nước nào.